Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trực thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn là đơn vị quản lý, khai thác đường hầm sông Sài Gòn, Trạm thu phí Thủ Thiêm và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo phân cấp hoặc ủy quyền của Sở Giao thông vận tải.
Trung tâm có tên tiếng Anh: Management Center of Sai Gon River Tunnel; tên viết tắt: MCST.
Trụ sở của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đặt tại số 02 Mai Chí Thọ, phường Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn là tổ chức có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc theo quy định của Nhà nước.
Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn là đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý, vận hành, khai thác hầm sông Sài Gòn và trạm thu phí thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây.
Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Trạm thu phí
a. Phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố để tiếp nhận đầy đủ các tài liệu, trang thiết bị, công nghệ quản lý, theo dõi, do Ban chuyển giao để tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
b. Trực tiếp quản lý vận hành khai thác hầm sông Sài Gòn và trạm thu phí.
c. Tổ chức xây dựng định mức và dự toán chi phí cho hoạt động khai thác hầm và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng.
d. Phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố xây dựng quy trình vận hành và bảo trì đường hầm sông Sài Gòn.
đ. Phối hợp với các cơ quan có liên quan để lập phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng, điện nước và các tiện ích khác… phục vụ cho hoạt động của hầm và trạm thu phí.
e. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức huấn luyện, đào tạo nhân sự về quản lý, vận hành hầm và trạm thu phí.
g. Định kỳ cập nhật tình trạng hệ thống thiết bị, công trình kiến trúc đường hầm sông Sài Gòn; lập hồ sơ quản lý, lưu trữ, bảo quản và thường xuyên bổ sung đầy đủ diễn biến, biện pháp khắc phục các hư hỏng và sự cố nhằm thực hiện tốt việc bảo dưỡng thiết bị cơ khí, hệ thống điện, điện tử, công trình đường, kết cấu hầm.
h. Lập kế hoạch và phương án thu phí giao thông qua đường hầm sông Sài Gòn, thu phí cứu hộ cứu nạn giao thông trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện thu phí theo quy định; kể từ thời điểm bắt đầu thu phí, phải đảm bảo Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. Trường hợp có sự cố kỹ thuật hoặc các nguyên nhân khác mà trạm thu phí phải ngừng hoạt động thì phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; đồng thời phải có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
i. Phối hợp với lực lượng công an, các bộ phận liên quan phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng hoặc thông đồng sử dụng vé giả, vé đã qua sử dụng, vé không đúng với loại xe, tải trọng xe, vé hết hạn…) trong quá trình thu phí.
2. Về quản lý cơ sở hạ tầng giao thông đô thị
a. Tổ chức và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý duy tu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông – đô thị được phân cấp, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả.
b. Kiểm tra thống kê, cập nhật và báo cáo theo định kỳ tình trạng các công trình liên quan đến hệ thống kết cấu hạn tầng giao thông – đô thị trong phạm vi Trung tâm phụ trách; lập lý lịch quản lý từng hạng mục công trình theo quy định; quản lý số liệu, cập nhật thông tin, hồ sơ, tài liệu hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông – đô thị.
c. Thông báo yêu cầu tháo dỡ, giải phóng các công trình, chướng ngại vật làm ảnh hưởng đến giao thông – đô thị và buộc chủ các công trình, chướng ngại vật phải thanh thải trong thời hạn nhất định để giải phóng tuyến luồng giao thông trên địa bàn, khu vực được giao quản lý.
d. Có quyền thanh thải, trục chuyển các chướng ngại vật nằm trong phạm vi quản lý của Trung tâm để đảm bảo giao thông thông thoáng và mỹ quan đô thị mà không chờ chấp thuận của chủ chướng ngại vật khi đã hết thời hạn thông báo và chủ các chướng ngại vật phải bồi thường kinh phí theo quy định.
đ. Phối hợp với các ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ đã phân công, phân cấp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Giao thông vận tải.
e. Kiểm tra, đề xuất với Sở Giao thông vận tải thành phố cấp phép thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, đốn hạ - di dời cây xanh đô thị trên địa bàn được phân công quản lý đối với các đơn vị và cá nhân có nhu cầu.
g. Trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án khai thác (có thu phí) hệ thống hào kỹ thuật, khu vực đậu xe, mặt bằng cho thuê dịch vụ quảng cáo trên tuyến được giao quản lý và tổ chức thực hiện.
h. Tổ chức nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền cho phép thí điểm áp dụng hệ thông giao thông thông minh trên tuyến đường được giao quản lý.
3. Về quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển
a. Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông – đô thị (cầu, đường bộ, chiếu sáng, công viên – cây xanh…) thuộc địa bàn quản lý.
b. Trực tiếp quản lý kế hoạch và vốn duy tu sửa chữa các công trình giao thông – đô thị trong khu vực địa bàn quản lý, quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng, Luật đấu thầu, quản lý vốn.
c. Tham gia ý kiến với các tổ chức của ngành và cơ quan có liên quan về xây dựng các dự án đầu tư (sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước) nhằm đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư về giao thông đô thị trong phạm vi được giao quản lý.
d. Đối với các công trình giao thông đô thị trên địa bàn của Trung tâm do các đơn vị khác làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông – đô thị theo đúng quy định.
4. Về thực thi pháp luật
a. Thực hiện công tác quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông – đô thị trên địa bàn, khu vực được giao quản lý.
b. Phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện công tác quản lý đường bộ, quản lý bảo vệ các công trình thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông – đô thị kể cả hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông – đô thị trên địa bàn, khu vực được giao quản lý.
c. Thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ; về chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị… đối với mọi đối tượng có liên quan đến hoạt động giao thông – đô thị; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra xử lý các vi phạm trên địa bàn quản lý.
5. Thực hiện nhiệm vụ duy tu, sửa chữa lớn và xây dựng cơ bản công trình giao thông – đô thị trong phạm vi phụ trách
a. Xây dựng kế hoạch về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường hầm sông Sài Gòn, trạm thu phí, cầu, đường, chiếu sáng, cây xanh đô thị, theo định ngạch, định mức danh mục hạ tầng được giao quản lý và niên hạn của công trình.
b. Trên cơ sở chỉ tiêu dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được giao tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu và hợp đồng giao thầu; đặt hàng duy tu, sửa chữa nhỏ hàng tháng cho các đơn vị có liên quan theo quy định với vốn đầu tư, khối lượng, chất lượng, tiến độ, cụ thể đối với các công trình trên địa bàn, khu vực được giao quản lý theo đúng trình tự đầu tư; đôn đốc tiến độ và tổ chức giám sát, nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo quy định.
c. Thực hiện vai trò chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án sửa chữa hoặc xây dựng cơ bản theo danh mục được Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Giao thông vận tải giao cho Trung tâm quản lý từ bước chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư và khai thác, quản lý công trình hoàn thành theo quy định của pháp luật.
d. Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất, tổ chức nghiệm thu công tác sửa chữa thường xuyên các công trình giao thông – đô thị trên địa bàn, khu vực được giao quản lý nhằm đưa hiệu quả vốn đầu tư ngày càng cao, đảm bảo hiệu suất lao động và đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng nâng cao.
đ. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình; quản lý, cấp phát vốn thanh quyết toán trong quá trình sửa chữa, xây dựng theo các quy định của pháp luật và chế độ quản lý tái chính kế toán hiện hành; quản lý kinh phí bảo hành, quản lý đơn giá sửa chữa, xây dựng và quản lý hồ sơ hoàn công theo quy định hiện hành.
6. Về an toàn giao thông đô thị và bảo vệ công trình giao thông đô thị
a. Tổ chức kiểm tra kỹ thuật an toàn giao thông đô thị, tham gia xây dựng và thực hiện các quy trình, quy phạm, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông vận tải, tổ chức kiểm tra việc thực hiện ở các đơn vị liên quan trên địa bàn, khu vực được giao quản lý.
b. Phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác thanh tra chuyên ngành, thực hiện kiểm tra, tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông – đô thị, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông đô thị, thông qua quy chế quan hệ, phối hợp quản lý điều hành giữa Trung tâm với Thanh tra giao thông vận tải.
c. Theo dõi, tổng hợp tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên các tuyến đường giao thông trong địa bàn, khu vực được giao quản lý để báo cáo cấp trên theo quy định; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, biện pháp phòng ngừa và hạn chế tai nạn xảy ra.
d. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các công trình được giao quản lý, kể các hệ thống báo hiệu đường bộ để sửa chữa kịp thời.
đ. Căn cứ thực trạng hệ thống cầu, đường bộ thuộc địa bàn quản lý để đề xuất với Sở Giao thông vận tải trong việc cấp giấy phép quá tải, quá khổ, siêu trường, siêu trọng để đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông.
e. Lập đề cương, dự toán thẩm định an toàn giao thông để trình cấp có thẩm quyền quyết định thẩm định an toàn giao thông. Trường hợp thuê tư vấn lập thì Trung tâm tổ chức thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được thực hiện và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật một số hoạt động dịch vụ
a. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực quản lý.
b. Thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng (tư vấn đầu tư, tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát thi công) các công trình thuộc dự án nhóm B, C chuyên ngành giao thông (cầu đường, hầm, chiếu sáng), cơ khí, điện, điện tử, cấp thoát nước.
c. Thực hiện dịch vụ hướng dẫn, tham quan, học tập nghiên cứu đường hầm sông Sài Gòn.
d. Liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm.
đ. Thực hiện các dịch vụ khác không trái với quy định của pháp luật và theo khả năng hiện có của Trung tâm nhưng phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính là quản lý, vận hành, khai thác hầm, trạm thu phí và hệ thống hạ tầng kỹ thuật được giao quản lý.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao hoặc ủy quyền./.